Saturday, December 19, 2015

[Review] WHAT THE DOG SAW & Another Adventures

Tên sách: CHÚ CHÓ NHÌN THẤY GÌ và những cuộc phiêu lưu khác
Tác giả: Malcolm Gladwell
Nhà xuất bản thế giới & Alphabooks
Giá bìa: 98k

Năm 2015 ngành y tế nhốn nháo vì vaccin Quivaxem, 8 bé tử vong, 16 bé có phản ứng nặng sau khi tiêm vaccin 5 trong 1 này( tính đến 10/2015). Các bà mẹ bỉm sữa ngày đêm hoang mang, băn khoăn nên hay không tiêm cho trẻ. Còn bộ y tế thì đang đau đầu vì người dân khủng hoảng niềm tin, khi không chịu đưa trẻ tiêm chủng đúng hẹn. Nếu như các nhà thống kê vào cuộc, và tính toán, sẽ cho thấy xác xuất trẻ tử vong vì đúng là do Quivaxem ở mức rất thấp, trong ngưỡng giới hạn mà WHO cho phép. Ngược lại với số lượng cao trẻ bỏ tiêm chủng như hiện nay, gánh nặng bệnh tật đang gia tăng và các loại bệnh như bạch hầu, ho gà trước kia hiếm gặp nay đang tăng trở lại, đó là chưa kể tỷ lệ viêm màng não mủ đang gia tăng, gây quá tải các bệnh viện tuyến trên.

Có rất nhiều điều trong cuộc sống, thoáng nhìn ta nghĩ sẽ dễ dàng có câu trả lời, và hài lòng với kết quả. Nhưng Malcolm Gladwell không nghĩ vậy, luôn có bí mật nào đó mà nếu bỏ qua cảm tính thông thường, ta sẽ khám phá ra những điều thú vị. Hãy nghĩ về câu nói này: Điểm mạnh nhất cũng là điểm yếu nhất của bạn. 19 bài báo trong sách nói về nhiều câu chuyện với chủ đề khác nhau, nhưng có điểm chung là lật lại những vấn đề cũ và kiến giải ở một góc nhìn khác. Góc nhìn của chuyên gia.
Trong hằng hà sa số sản phẩm, hãy trở thành kẻ tốt nhất. Với mù tạt, không tuyệt đối như thế, hãy là một trong nhiều nhóm tốt nhất. Thế quái nào mà với tương cà, the best is the best. Thật khó nhai nhưng bạn sẽ hiểu được vì sao( bài Hóc búa câu hỏi Ketchup).

Hay như thiên tài nở sớm và tài năng nở muộn. Qua câu chuyện về hoạ sĩ Cézanne và nhà văn Ben Fountain, Gladwell xoá đi suy nghĩ cố hữu: thiên tài là những người trẻ tuổi thành công sớm. Biết đâu đó ta đang bỏ qua, và lãng quên đi những tài năng tiềm ẩn, nhưng đang cần được giúp đỡ để hiển lộ.

Vụ sụp đổ của Enron là một chủ đề lớn trong sách. Từ việc toà án đã sai trong việc phán lãnh đạo Enron đã che giấu thông tin gây hậu quả nghiêm trọng. Thực ra họ công khai tất cả với mọi người ấy chứ. Đó là lúc sự khác nhau giữa câu đó và bí ẩn được nêu ra. Và có vẻ như việc sụp đổ của Enron là không thể tránh khỏi vì lỗi hệ thống ngay từ ban đầu. Giống như loài người, tạo ra quá nhiều thứ hỗ lốn đến độ không kiểm soát được chính mình nữa. Diệt vong là điều hiển nhiên. Ngay cả cách tuyển chọn nhân tài của Enron cũng thế, điển hình của việc đề cao thành công của cái tôi cá nhân, hạ thấp thành quả tập thể. Theo Gladwell chính sách nhân lực của Enron và McKinsey là ảo tưởng về những con người tài giỏi, và tổ chức tự do 0 phải là muốn gì thì làm đó. Ngược lại với Enron, tôi nghĩ về những công ty của Nhật Bản, nghe nói là họ trả lương và phúc lợi theo thâm niên, kinh nghiệm chứ không dựa trên chức vụ và địa vị. Dĩ nhiên là mỗi bên đều có ưu nhược. Giờ quay sang Việt Nam, lâu nay trong các cuộc nhậu, bạn tôi hay so sánh, khen công ty nước ngoài trả lương theo năng lực, chê nhà nước trả lương theo thâm niên. Có phải VN đã đúng khi chọn giống như Nhật, hay cách làm của ta sai mà giờ đất nước be bét thế này?

Đờ người và hoảng sợ là bài mà tôi cho thú vị nhất. Vì nó gần gũi và tôi gặp nó hằng ngày. Đờ người, cái cảm giác bạn đã biết tất cả, thế mà đụng chuyện nó lại bay đi đâu mất, nhất là khi trực cấp cứu hay vấn đáp đối mặt với giảng viên. Cách giải quyết tốt nhất theo Gladwell là luyện tập, luyện tập thật nhiều và để cho kinh nghiệm thay thế phần não lý trí của bạn. Nó liên quan đến cơ chế não mới não cũ trong thần kinh học, nên tôi thấy nó khá hay ho.

Cách viết của Gladwell khiến tôi liên tưởng tới cấu trúc thơ Đường: đề, thực, luận, kết. Mở đầu ông sẽ bắt đầu bằng câu chuyện về một nhân vật hay sự việc. Cái này chỉ để bắt cầu qua nội dung chính sẽ được phân tích rõ tiếp theo. Sau đó có thể là một cách nhìn trái ngược hẳn, đánh bóng cho sáng lung linh lên hay chà nhám để đạp đổ. Kết thúc sẽ quay lại câu chuyện ban đầu, và thường có những tình tiết bất ngờ mà ông cố tình giấu để nhá hàng sau cùng. Đọc ông như xem một trận bóng đá, nghẹt thở đến phút 90 +2. Glad miêu tả con người rất chi tiết và tỉ mỉ. Viết về ai đó, không chỉ đơn giản về điều họ làm, thành công hay thất bại. Ông lôi ra cả sở thích, thói xấu, và cả họ hàng bạn bè, ghim chặt ấn tượng của bạn vào mỗi nhân vật. Đọc ông,  giống như xem phim, và thú vị hơn vì nó logic chặt chẽ.

Khai thác cuộc sống từ góc nhìn kiểu nhà khoa học, nay có rất nhiều sách được xuất bản, các cuốn về kinh tế hành vi như: kinh tế học hài hước, đô la hay lá nho, kinh tế học và sex, củ khoai tây ngồi trên ghế bành... Nhưng sách của M.Gladwell luôn là tác phẩm có sức hút và hay nhất mà tôi tìm mua.
Ps: theo dõi loạt bài về Quivaxem