Sunday, April 26, 2015

[REVIEW] VANG BÓNG MỘT THỜI - Nguyễn Tuân



Tựa sách: Vang bóng một thời
Tác giả: Nguyễn Tuân
Nhà xuất bản Văn học
Giá bìa: 20 000 đ


Nguyễn Tuân viết "Vang bóng một thời" vào 1940 - trước CMT8. Thực ra tập truyện ngắn này tập hợp những bài viết trong chuyên mục " Vang và bóng một thời" được ông đăng trên 1 tờ báo xưa. Sau  được nhà xuất bản Tân Dân in ấn. Đây được xem là tác phẩm đạt gần đến sự toàn thiện mỹ, đưa Nguyễn Tuân thành ngôi sao sáng của văn đàn
Tác phẩm gồm 12 truyện ngắn có thể chia làm 2 thể loại. Loại thứ nhất gồm các truyện: những chiếc ấm đất, hương cuội, chén trà trong sương sớm, thả thơ, đánh thơ, một cảnh thu muộn... mang phong cách nhẹ nhàng, tinh tế, miêu tả cái thú chơi thanh cao tao nhã của nhà nho trí thức xưa trong buổi giao thời Hán học - Tây học. Bên cạnh đó  là các truyện: chém treo ngành, chữ người tử tù, đánh bút chì, báo oán,... mang cái không khí rờn rợn, tăm tăm tối tối, khiến người đọc hồi hộp dõi theo từng nhân vật, để rồi trân trọng và thán phục những con người ở tầng lớp dưới, những kẻ sa cơ mà có cái lòng thanh cao hay tài năng hiếm có.
1.       Chém treo ngành:
Truyện kể về một người đao phủ già tên Bát Lê nổi tiếng với cái tài “chém treo ngành”. Tức là chém đứt đầu người, chỉ chừa lại cọng da mỏng dính. Nghe hơi rợn rợn. Cái lối chém của ông lão đao phủ này, cùng với cái lối “đánh bút chì” của tay Lý Văn trong truyện “Ném bút chì”(cũng in trong tập sách này) quả là độc nhất vô nhị. Tay Lý Văn dùng cái mai( dáng giống cái thuổng đào đất) ném gãy đứt chân con gà đang chạy, mà cũng 0 hẳn là đứt lìa chân nhé, đứt ngang ngọt lịm, vẫn dính cọng da mỏng mới tài. Ấy quả là người tài thật. Nếu như theo Malcom Gladwell phải luyện 10 000 giờ để thành chuyên gia thông tường tinh xảo một kỹ năng thì 2 con người  này đã phải xuống tay biết bao nhiêu lần, kể ghê gớm thật đó. Mô tả Bát Lê, người đọc không có chút ghê sợ hay oán ghét con người hay cái công việc “bạo lực” của ông, mà ngược lại cảm nhận được cái khí khái hơn người toát ra từ lão đao phủ. Nhất là mấy câu thơ ông đọc lúc múa  “thanh quất” :
Sống không thù nhau
Chết không oán nhau
Thừa chịu lệnh cả
Dám nghĩ thế nào
Ngươi ngồi cho vững
Cho ngọt nhát đao
Hỡi hồn!
Hỡi quỷ không đầu.
Kẻ tử tội, có nghe được mấy câu thơ này, cũng cam lòng mà ra đi. Ở cảnh cuối, lúc quan công sứ người Pháp ra về, bụi lốc cuốn lên, hất văng mũ ngài công sứ xuống đất. Chi tiết này đã được chính quyền lúc đó lược bỏ đi trong các lần xuất bản sau này. Vì thế để đọc được phiên bản đầy đủ của tác phẩm, người đọc nhớ mua sách của Nhã Nam mới phát hành nhé. Đã mua bản quyền rồi.
2.       Những chiếc ấm đất:
Cụ Sáu là người mê trà Tàu. Cái thú đó của cụ chẳng những công phu mà còn tốn kém. Nước pha trà phải lấy từ giếng nước ở chùa Đồi Mai mới chịu. Đến nỗi chính ông đã nói:”Tôi sở dĩ đi đâu xa được là vì không đem theo được ước giếng này đi để pha trà...” Chỉ câu văn này của Nguyễn Tuân đã thấy được độ chịu chơi của cụ Sáu:
Nghề chơi cũng lắm công phu
                                        (Truyện Kiều)
Muốn pha trà phải có ấm trà. Mô tả cái sự cầu kì, kĩ tính của ông cụ Sáu này, Nguyễn Tuân đưa vào nhân vật “ông Khách”. Ông Khách đàm đạo với cụ Sáu câu chuyện về một thằng ăn mày  có cái ấm trà quý , cũng mê trà Tàu, lại có khả năng chỉ uống 1 chén trà cũng biết được bình trà nào đó có lẫn mùi tro trấu bên trong. Xuyên suốt câu chuyện, 3 nhân vật cứ ẩn hiện hoà làm một. Nói chuyện cụ Sáu mà hình như đó là ông Khách, có khi ông Khách lại chính là thằng ăn mày đó cũng hay, hay là lời nhắc khéo của Khách, cụ Sáu mà mê trà Tàu quá thì có khi cũng phải đi ăn mày. Cái hay nữa là dù ở trong hoàn cảnh nào, môi trường nào cốt cách con người ta vẫn không thay đổi. Cái tính khoan thai chỉn chu khi pha một ấm trà, chuyên tâm để được một chén ngon thì dù có từ ông già tiêu diêu tự tại sành sỏi nghề chơi nếu có xuống làm anh ăn mày, phải bán đi cái ấm quý, cũng không thay đổi. Đó là cái nền, cái nếp đã ngấm vào con người ta, như một chén trà, uống vào rồi mà vị trà, hương trà còn kéo dài mãi. Chi tiết cuối truyện ông cụ Sáu phải bán đi ấm quý để trang trải lúc sa cơ. Mình thấy thú vị ở chỗ, cụ không bán nguyên lô, mà bán ấm trước, bán nắp ấm sau. Tác giả để nhân vật giải thích là bán 2 lần như thế thì được giá, tiền lời nhiều hơn. Mình lại nghĩ là cụ Sáu thực là tiếc lắm lắm, bán 2 lần là để kéo dài thời gian, để có cơ hội mua lại những chiếc ấm quý đó trở lại. Đợi khi thế thời thay đổi, cuộc sống khá hơn, cụ lại giữ được những báu vật của mình – những chiếc ấm đất.
3.       “Thả thơ” và “Đánh thơ”
2 truyện này viết về một phong tục ở xứ Huế, thời Nguyễn. Thả thơ hay đánh thơ nói nôm na trần tục là đánh bạc bằng văn chương, một kiểu rất quý tộc. Còn đối với học sinh, sinh viên sẽ thấy giống trắc nghiệm, chọn câu đúng nhất. Nếu ai từng chơi lô tô, bầu cua tôm cá, ném phi tiêu đặt cửa ăn tiền thì thấy luật lệ của thả thơ cũng dễ hiểu. Người cầm cái, phải là người am hiểu thi phú, sẽ trải ra trên giấy mấy câu thơ, trong đó có câu khuyết mất một chữ, chữ này được thay thế bằng cái vòng, gọi là vòng thơ. Tiếp đó sẽ có mấy cái ô trống nơi để chữ/ từ thay thế cho vòng thơ. Bạn muốn đánh vào chữ nào thì đặt tiền vào chữ đó. Ví dụ, thả câu:
Quân hướng Tiêu Tương ngã ...Tần
A. cố              B. tại                      C.vọng                  D.phản                 E. Hướng
Bạn đặt tiền cửa nào A, B, C, D hay E?
Cũng là cờ bạc, cũng có máu ăn thua, vậy mà có cái tao nhã trong đó. Ấy là nhờ thi phú. Người cầm cái phải là người làu làu thơ phú, nhất là thơ cổ, cũ, độc. Nói như bây giờ là không độc không ăn tiền được. Người chơi, ăn thua đấy, lúc đánh được một chữ trúng hay bất ngờ trước cái đáp án dị kì đều khảng khái mà ngâm lên câu thơ vừa đánh mà ra chiều tâm đắc. Có khi cả sân đình nơi tổ chức thả thơ âm vang tiếng ngân, như một dàn ca. Thắng vui, thua cũng vui... ít. Đánh bạc nhưng không có cái ồn ào chen chúc, cái bực tức cãi cọ, so đo tính toán nhiều. Loại hình này hợp nhất là mấy vị gió trăng đề huề, học đòi thi phú cho ra dáng nho sĩ. Chứ nông dân, lính lác, ê a hoài như thế mất cả vui... hehe. Giả sử có một anh nông dân và một anh nhà thơ tranh luận với nhau về 2 hình thức đánh bạc: thả thơ và đánh bạc thông thường. Anh nào cũng cho là mình đúng. Anh nhà thơ sẽ chê anh nông dân là dung tục, xô bồ, không biết thưởng thức nghệ thuật. Anh nông dân sẽ phản bác rằng tụi nhà thơ tụi bây chỉ giả vờ sang chảnh, tham tiền cũng tham như nhau mà bày đặt thi phú. Có lẽ 2 người bài bác nhau vì không am hiểu lẫn nhau. Có hiểu mới yêu, mới biết thưởng thức. Riêng tôi, tôi chọn thả thơ, vì nó nhẹ nhàng hơn, chậm rãi hơn, cho tôi trí tưởng tượng và biết thưởng thức. Chả bên nào đúng cả, quan trọng là bạn chọn bên nào, và được gì, vậy thôi.
Ngày nay ở Huế gần đây người ta đã cho khôi phục lại hình thức văn hoá này. Tuy thế vẫn ít người biết đến. May mắn là tập vang bóng một thời này miêu tả chi tiết và sống động về phong tục này. Mình ít thấy các tác phẩm nào khác như thế.
4.       Ngôi mả cũ:
Ý kiến cá nhân: đây là câu chuyện có nhiều cái tình nhất trong tập sách này. Cái tình giữa cụ Hồ - tướng quân Cờ Đen với cụ Án, thân sinh của cô Tú và cậu Chiêu( 2 nhân vật chính của truyện), cái tình của người chị hi sinh cuộc đời con gái ở vậy nuôi em trai ăn học. Tình cảm 2 chị ăn gắn bó vượt qua những khi hàn vi rau cháo qua ngày. Cái tình thương yêu của cụ Hồ với 2 chị em, ông có cái bụng yêu mến cái đức tính chịu thương chịu khó của cô Tú, cái thiên lương còn giữ được của cậu Chiêu lúc nhà khó khăn. Ông không chê 2 người trẻ nghèo mà quý cái ý chí vươn lên của họ.  Ấy là còn điểm xuyến tình cảm của người phu kiệu vẫn nhớ ân tình cụ Án ngày xưa. Nói thế để thấy là con người ta khi xưa giàu tình cảm, xử sự thật là phải phép, chuẩn mực. Nguyễn Tuân kể chuyện mà không phải truyện. Một cái kết không rõ ràng, để ngỏ đó. Phải rồi vì nó đâu có quan trọng. Quan trọng là cái tình, cái khéo trong hành động của các nhân vật. Chỉ có vậy mà truyện vẫn hấp dẫn, dư âm còn kéo dài mãi.
5.       Hương cuội
Hương cuội làm mình thích thú phát hiện ra khi xưa người ta ăn kẹo mạch nha phủ lên lớp đá cuội, ướp hương hoa lan nữa chứ. Trước giờ vẫn nghĩ chỉ Quảng Ngãi quê mình có kẹo mạch nha, đọc “Hương cuội” mình hiểu rằng đây là món ăn lâu đời, và đã có ở miền quê Bắc Bộ lâu lắm rồi. Ếch ngồi đáy giếng thật.

Hương cuội miêu tả không khí gần tết của một gia đình. Cụ Kép cùng con cháu quây quần rửa lá dong, nấu bánh chưng, chăm chút cho vườn Lan để nở đúng dịp tết, nấu kẹo mạch nha, uống rượu ngâm thơ, thưởng thức cái không khí mà chúa Xuân mang về. Thực là nhẹ nhàng và êm đềm quá đỗi. Mình thích nhất là đoạn văn nói suy nghĩ của cụ về chơi hoa:
”... có một vườn hoa là một việc dễ dàng, nhưng đủ thời gian mà chăm sóc đến hoa mới là việc khó...Người chơi hoa nhiều khi lấy cái chí thành chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không biết bao giờ biết lên tiếng nói. Như thế mới phải đạo, đạo của người tài tử. Chứ còn cứ gây được lên một khoảnh vườn, khuân hoa cỏ ở các nơi về mà trồng, phó mặc chugs ở giữa trời, đày chúng ra mưa nắng với thờ ơ, chúng trổ bông không biết đến, chúng tàn lá cũng không hay, thì chơi hoa làm gì cho thêm tội với Chúa Xuân”
6.       Chén trà trong sương sớm:

Lại thêm một truyện về trà Tàu. Hẳn là khi xưa Nguyễn Tuân và cha ông cũng mê cái món này lắm lắm. “Chén trà trong sương sớm” miêu tả một phương pháp thể dục, 1 cách dưỡng sinh xưa: uống trà và ngâm thơ sáng sớm.Theo ý cụ Ấm(nhân vật chính của truyện) “người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh. Thường hay vấn mình để sửa mình vào những giờ uống trà Tàu...” còn “ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là một cách vận động thần khí kì diệu nhất của môt người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất...”. Mình nghe xong thích quá, định sáng nào cũng pha một bình trà ô long, nhưng trà này mắc quá xá, phải dăm ba hôm mới pha một lần. Ở phương Đông, nước nào cũng thấy có uống trà: từ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên Hàn Quốc đến Ấn Độ, Pakistan, Srilanka, Việt Nam, Indonesia.... đều có cả. Nhiều nơi đã nâng lên thành trà đạo. Trà quả thực là thức uống của thần thái và trí tuệ. Mình nghĩ ai ai cũng nên uống trà cả.
.................

Đây là những truyện mình thấy hay và gợi nhiều suy nghĩ. Những truyện khác như: “Chữ người tử tù” đã được dạy trong chương trình phổ thông, Ném bút chì phong cách giống “Chém treo ngành”, “Báo oán” nghe hơi dị đoan, “Trên đỉnh non Tản” thì phiêu diêu huyền ảo, hơi xa cách thực tế. Trong 12 truyện, mình cho là “Chém treo ngành” là hay nhất. Còn mô tả nên thơ nhất là “Hương cuội”. Nếu được thì mọi người nên mua sách của Nhã Nam, đã bổ sung những đoạn bị cắt bỏ từ thời Pháp. 
Vang bóng một thời là hồi ức đẹp về thời dĩ vãng xa xưa nay không còn nữa. Đi cùng những con ingười tài hoa, những cầu kì trong thú chơi đó là cốt cách, nền nếp của thế hệ những con người. Hãy đừng để những điều đó lãng quên và biến mất dần, đừng để thế hệ ta nay bị hụt hẫng, bơ vơ với đứt gãy văn hoá, không biết đi đâu, về đâu.