Tuesday, June 30, 2015

Nhà Giả Kim – Lời tuyên chiến của những kẻ mộng mơ


“Khi học trò sẳn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”. Đó là điều tôi cho rằng “nhà giả kim” đang nói đến. Hãy xem một vài ý tưởng:

Đầu tiên, mở đầu câu chuyện về hồ nước và chàng Naziss của Oscar Widle. Chàng Narziss chỉ nhìn thấy mình đẹp tuyệt trần qua Hồ nước. Còn Hồ nước chỉ thấy mình diễm lệ nhất trong mắt chàng Narziss. Con người cũng như thế, luôn cho mình là nhất, nghĩ cho mình trước hết. Khi chưa chịu mở to mắt ra quan sát, ta chẳng cảm nhận được điều gì thế giới xung quanh, vì bên trong ta chỉ thấy có chính ta mà thôi.

Thứ hai là những dấu hiệu. Muốn theo đuổi giấc mơ như chàng Santiago, ta cần phải theo đuổi dấu hiệu chỉ đường của vũ trụ(đấng tối cao thiêng liêng, thần thánh,... ) Cũng chả quan trọng mấy nếu biết rằng cố gắng tìm kiếm nó cũng thừa, phương pháp không phải thuần lý trí mà trước hết bằng tình yêu, dùng cảm xúc để dẫn đường. Đôi khi cảm xúc của bạn bị lầm. À không phải đôi khi mà là thường xuyên cảm xúc của bạn lầm lẫn, nó đánh lừa bạn. Đó là khi Santiago tin tên bịp bợm đã chôm sạch số tiền dành dụm để sang Ai Cập, thay vì cố hiểu nghe lời người chủ quán tốt bụng cố cảnh báo. Cũng có thể là cảm giác nuối tiếc khi phải quyết định chọn theo đuổi giấc mơ lớn thay vì đi theo tiếng gọi tình yêu. Dù cảm xúc có hay chỉ sai đường đến đâu thì nó cũng thực sự thiết yếu để tìm kiếm phương hướng trên đường đời. Hãy nhớ rằng vũ trụ nói chung một ngôn ngữ không lời: như Santiago dùng nó để cùng dựng rạp cho người bán bánh kẹo Ả Rập khác ngôn ngữ, như lúc Santiago hiểu bầy cừu dù chúng luôn im lặng, như lúc gặp Fatima người tình trăm năm của chàng,... Tất cả là nhờ xúc cảm, cỗ máy dò năng lượng tuyệt vời. Để xúc cảm không lầm lẫn, hãy mài bén và rèn luyện. Nó sẽ dẫn bạn đến “tâm linh của vũ trụ”

Thứ ba, bởi đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, nên muốn nhận biết dấu hiệu, phải kết nối với tâm linh của vũ trụ. Nghe như là đang tuyên truyền cho luật hấp dẫn. Nhưng điều nhấn mạnh ở đây là dùng ý chí và cảm xúc không chưa đủ, mà phải hành động, thông qua hành động mới học được điều đúng. Cứ nhìn chàng người Anh và Santiago thì thấy rõ, một bên lý thuyết suôn, một bên biết quan sát và xắn tay áo lên làm. Kết quả khác nhau rõ. Hành động mới cái cho thấy Santiago đã sẵng sàng. Và khi đã như thế, những người thầy xuất hiện: bà đồng gypsy, chủ cửa hàng pha lê, người phu lạc đà dẫn đường, và cả nhà giả kim nữa,...


Vậy tại sao nói hành trình của Santiago là hành trình dành cho kẻ mơ mộng? Vì qủa nó như giấc mơ vậy. Điểm kết thúc quay về điểm khởi đầu, xung đột tình yêu và sự nghiệp giải quyết dễ như ăn cháo, thay đổi góc nhìn về khó khăn chỉ qua vài câu văn ngắn ngủi. Thực là không thể tin mọi chuyện lại suôn sẻ đến vậy. Có lẽ tác giả đã lượt bỏ cái khốc liệt của cuộc sống, và đơn giản hoá khó khăn để câu chuyện nên thơ và giàu màu sắc tươi sáng. Cuốn sách thực sự truyền cảm hứng ngùn ngụt nếu bạn đang hay đã mơ mộng điều gì đó rồi. Nếu không cũng chả sao cả, vì như đã nói, người thầy chỉ xuất hiện, khi học trò đã sẵn sàng. Vấn đề là bạn đã sẵn sàng đến đâu rồi? Phải nhanh lên chứ!!!

Monday, June 8, 2015

[REVIEW] NẾU BIẾT TRĂM NĂM LÀ HỮU HẠN... & NHỮNG CÂU CHUYỆN NGỤ NGÔN

Tên sách: Nếu biết trăm năm là hữu hạn.
Tác giả: Phạm Lữ Ân( Bút danh chung của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy)
Nhà xuất bản Hội nhà văn.
Giá bìa: 68k

Khi được biết nhóm sách sẽ viết review cuốn này, bạn gái tôi có bảo:” Chắc là mọi người sẽ thích cuốn này và viết tốt về nó. Hay là anh thử chê, và viết ngược lại xem sao?” Câu nói làm tôi chột dạ, vì nhớ có lần Nguyễn Duy Cần trong “Tôi tự học” có nói một ý: có những cuốn sách ban đầu ta đọc thấy rất hay, nhưng sao hoá ra lại dở, không giá trị nhiều, nhưng đến lúc nào đó đọc lại mới ngộ ra và hiểu hết ý tác giả, là ta đọc không kĩ mà hiểu lầm, hiểu chưa tới. Đây là cuốn sách như thế.

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn...” tập hợp các bài viết cho chuyên mục “Cảm thức” của tuần san 2! Báo sinh viên Việt Nam. Tác giả viết dành cho những người trẻ, đang trưởng thành, đối mặt với nhiều băn khoăn, quyết định trong cuộc sống: gia đình, tình yêu, sự nghiệp, cách sống... Giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm như rót vào tai, khuyên nhủ bảo ban và dìu dắt. Chắc chắn ai mới chập chững bước vào đời, đón nhận những cái “vỗ vào mặt” đầu tiên của cuộc sống sẽ tìm được đồng cảm và an ủi. Sách nói trúng và đúng tâm lý. Lượt qua những lời khen tặng ở trang bìa sau sách của độc giả, 6/8 trong số đó có các từ như: tỉnh dậy sau mộng mị, tìm kiếm bản thân, mặn đắng, buồn, mất phương hướng, chút hy vọng, suy tư, phân vân, mơ hồ, ... và cả tuyệt vọng nhất. Nó nói lên điều gì? Bất kì người nào muốn trưởng thành đều phải đi qua giai đoạn này cả. Dù ở thời đại nào, thế hệ nào, bạn, tôi, cậu bé Holden Caulfield trong “Bắt trẻ đồng xanh” đều có chung cảm xúc như thế. Có những người vượt qua được, có người không, có người thậm chí tự tử như  trong bài viết: Có khoảnh khắc cứu cả cuộc đời. Và cuốn sách này thực đáng quý khi thấu hiểu điều đó, để ta biết ta không lạc lõng, có ai đó giống mình. Hãy nghĩ xem, biết đâu nhờ những bài viết ý nghĩa như thế này đã ngăn ngừa được bao nhiêu trường hợp tự tìm đến cái chết.

Cái dở là gì? Độc giả có thể không còn phải suy tư, tự vượt qua nghịch cảnh nữa. Vì đã có tác giả nói giùm, nghĩ hộ cho rồi. Con bướm đã không tự mình phá vỡ cái kén chui ra.
Tôi của tuổi 22 rất say mê nó; giờ đọc lại thấy không đã, không hay, không à lên vỡ lẽ ra nữa. Tôi nhìn lại như nói: cái này biết rồi, cái kia tôi cũng biết, tác giả có cần nói dài dòng như vậy không? Sách đã nhàm chán rồi ư?
Không, nó không hề mất đi giá trị bạn ạ! Mỗi bài viết là một suy ngẫm, đôi khi là triết lí, có thể của tác giả, có thể của ai khác , nhưng vì viết cho tuổi trẻ, tuổi nổi loạn, lạc lõng nên mới dùng cách nhẹ nhàng, câu từ thủ thỉ tâm tình. Nó sẽ không hợp cho độ tuổi 30-40 trở lên, bạn đòi hỏi một cái gì đó dạn dày, dữ dội, kịch hơn, đời hơn. Nhưng nếu bạn có con cái, có em trai em gái tới tuổi như thế này,muốn chia sẻ đồng cảm với nó, tôi cho rằng cùng bài học đó mà truyền đạt như cách của tác giả là dễ dàng hơn cả. Bởi ai cũng thích ngọt ngào. Cũng giống như chuyện ngụ ngôn là những viên kẹo bọc đường mang trong mình bài học. Con không hiểu cha, anh em không hiểu nhau, bạn bè hiểu lầm,... nếu mà cứng rắn quá, thẳng thắn quá thì không có vào, dễ gãy. Và lứa tuổi này là rất dễ gãy vỡ. Tới đây tôi lại thấy chuyện ngụ ngôn quá là thâm sâu ảo diệu: ngắn, dễ nhớ, và tuổi nào cũng học được. Đừng thấy nó bình dị, giản đơn mà xem thường.


Một tập sách có bài hay bài dở, bài tạm. Tôi để ý thấy những bài viết đầu sách hay và suy nghĩ phần logic hơn, không dài dòng văn tự nhiều. Có một bài đặc biệt thích là “Khi ấy một người đàn ông sẽ ra đời” nói về sự trưởng thành. Cả bài chỉ câu kết là hay nhất:” Bạn trưởng thành khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành một điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình”. Mỗi bài đều có một câu hay như thế, hãy tìm ra nó khi bạn đọc sách lại lần 2,3,4...n. Đừng để những câu văn dài ngoằn nghoèo làm chán bạn.