Thursday, August 20, 2015

[Rewiew] NGÀY XƯA CÓ MỘT CON BÒ

Tên sách: Ngày xưa có một con bò
Tác giả: Camilo Cruz
Nhà xuất bản  Trẻ
Giá bìa: 46k

“Ngày xưa có một con bò” nói gì?

Ngày nảy ngày nay, trên cao đại ngàn của huyện miền núi Minh Long( Quảng Ngãi), có một gia đình 7 người nghèo xơ nghèo xác. Quanh năm làm lụng vất vả, chỉ trồng bắp cao sản GMO do nhà nước tài trợ mà vẫn không đủ sống. Thằng con lớn vất vả lắm mới học đến 12, những mong hết cấp 3 kiếm tấm bằng tốt nghiệp để đi làm, thì trong kì thi THPT năm ấy, nhờ bộ GD đổi mới quy chế coi thi nên cả trường đạt 100%... trượt tốt nghiệp. Quá nhọ nên anh phải qua Quảng Nam làm phu vàng kiếm sống. Nói ra để thấy cái tương lai mù mù tăm tăm như ánh điện quốc gia của gia đình này nó thảm thê như nào. Ấy vậy mà họ vẫn có cái tự hào lắm lắm. Đó là nhà họ thuộc hộ nghèo của xã. Nhờ nó mà hằng tháng còn có gạo trợ cấp( dù là gạo mốc và đã được cắt xén), mỗi khi có bảo lũ, có từ thiện gì là được lên ti-vi, có lãnh đạo tới thăm bắt tay,...Nói chung tờ giấy chứng nhận hộ nghèo là cái phao cứu sinh giữ núi rừng trùng điệp, thiệt quý hết sức, làm gì thì làm chứ vẫn phải giữ lấy danh hiệu hộ gia đình đói nghèo này. Cho đến ngày kia, thằng nào chơi ác, thù ghét gì đó xé tan cái giấy chứng nhận hộ nghèo - cả gia đình đói. Tuyệt vọng, chán nản, lo, lót không được, chỉ còn chờ chết. Sau một năm, những tưởng cuộc sống gia đình đó sẽ chìm vào trong màn đêm u u tối tối, không gượng dậy nỗi thì ô kìa lạ chưa đời sống bổng thay đổi 180 độ. Nhà trước kia làm từ vách lá tre nứa thì nay đã là cái villa bự thiệt giữa vùng; nay không còn trồng bắp nữa mà trồng keo trồng quế; đào 2 ao cá, chăm mấy đàn lợn, thêm cả con xe Inova mới cóng để chủ nhà giao dịch dưới xuôi nữa. Quả là thần kì, thật là tuyệt vời, chuyện như chỉ có trong kinh doanh đa cấp. Khi được phóng viên hỏi bí kíp nào tạo sự thay đổi thần kì như vậy, anh chủ nhà trả lời:” Nó là do tui mất cái giấy hộ nghèo đó chớ”
Tất nhiên là chuyện trong sách không phải zậy, nhưng mà kiểu tựa tựa, bài học rút ra là: điểm mạnh nhất cũng là điểm yếu nhất. Muốn đi xa thì đừng mang nặng, muốn bay cao phải vứt bỏ rất nhiều( thầy Lê Tôn Hiến).

Hai mặt của “Ngày xưa có một con bò”?

Là câu chuyện ngụ ngôn dễ hiểu và sâu sắc, người đọc rõ: “Bò” tượng trương cho những lực níu kéo, kìm hãm sự phát triển. Nó có hai đặc điểm, một là nó tạo ra mức trung bình, tình trạng dở dở ương ương mà người Việt thường nói “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Hai là Bò do người nuôi, nên chính mỗi người là nguyên nhân tạo ra nó: bao biện, lý lẽ, ăn mày quá khứ... Có rất nhiêu người khi gặp vấn đề, là đổ lỗi cho người khác, vô trách nhiệm với công việc. Họ ngạo mạn và kiêu căng,phách lối. Bò là cú đánh mạnh vào đầu họ, đủ để tỉnh, rằng anh, chính anh mới là nguyên nhân cho hỗn loạn, thất bại, tình trạng trì trệ nào đó.  Đó là kiểu người nghĩ bên ngoài chứ không hướng suy nghĩ vào trong mình, ích kỷ và thường ghen tỵ. Ngược lại cũng có vô số người thích gặm nhấm nỗi đau, tự đổ mọi tội lỗi lên mình, luôn nghĩ mình luôn kém cỏi, mọi chuyện đúng là do mình đó, tui không có đổ cho ai đâu, nhưng tui phải làm sao đây? Như trong tâm thần học, có loại người hưng cảm sôi nổi bốc đồng, thiếu chín chắn thì cũng có người trầm cảm hay chán nản, buồn rầu, thích nghĩ mình có tội. Và cũng có loại rối loạn lưỡng cự, ấy là cứ đợt hưng cảm, sau đó trầm cảm, rồi thay phiên diễn tiến. Nhận biết bò sẽ tốt vô cùng cho kiểu người thứ nhất, nhưng nó có thể gây nên thảm hoạ với kiểu người thứ 2, họ có thể tự tử khi quá bế tắc chẳng hạn.

Tiêu diệt Bò cần có một sự mạo hiểm. Vì ta không rõ tương lai sẽ ra sao khi mất nó. Câu hỏi đặt ra là con Bò này là giới hạn đang cản trở tôi, hay tiếp tục nuôi Bò, kiên trì mới là điều nên làm? Câu hỏi này dẫn đến một câu hỏi khác: Khi nào thì nên thay đổi, khi nào thì nên tiếp tục? Để trả lời nó, tôi nghĩ đến câu chuyện ngụ ngôn hiện đại khác “Who moves my cheese?”( tác giả Spencer Johnson). Thay đổi là điều bất biến( thật ngược đời), vậy nên phải luôn cảnh giác, theo dõi, để rồi dự đoán sự thay đổi để thay đổi cho phù hợp. Nhân vật người tí hon “chậm chạp” đã thấu hiểu điều này sau khi trả qua một quá trình tìm Bò và diệt Bò như trong tác phẩm. Đó là lý do tôi đề cao “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” hơn “Ngày xưa có một con bò”. Nó tổng quát và triết lý sâu hơn nhiều.


Một câu hỏi nữa được đặt ra khi tôi liên tưởng tới câu chuyện ngụ ngôn khác “Con cáo và chùm nho”: Khi nào thì thì ta tiếp tục, nỗ lực chiến đấu; khi nào chấp nhận thực tế, biết đủ? Bởi ta không thể cứ ảo tưởng sức mạnh bản thân, điên cuồng cuồng làm bất chấp kết quả là vô ích. Đâu là ranh giới giữa lời bao biện, lý lẽ và cái nhìn khách quan xác thực? Câu trả lời thực sự khó. Tôi nghĩ giống như cuộc chiến chống lại bệnh tật. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi giai đoạn có đối sách riêng nhưng đừng để rơi vào giai đoạn cuối, không thể xoay sở được nữa, ta “mất bò mới lo làm chuồng”

Dù sao đi nữa, bởi vì con người thường không chịu nhìn lại mình giống như chàng Naziss tự ngắm mình trong hồ nước( đọc Nhà giả kim), nên tìm Bò, và biết mình có Bò chính là bước đầu tiên đặt chân lên con đường tư duy.( theo kiểu Bát Kỳ - Ai đọc Hoả phụng liêu nguyên sẽ thấy quen câu này)