Saturday, December 19, 2015

[Review] WHAT THE DOG SAW & Another Adventures

Tên sách: CHÚ CHÓ NHÌN THẤY GÌ và những cuộc phiêu lưu khác
Tác giả: Malcolm Gladwell
Nhà xuất bản thế giới & Alphabooks
Giá bìa: 98k

Năm 2015 ngành y tế nhốn nháo vì vaccin Quivaxem, 8 bé tử vong, 16 bé có phản ứng nặng sau khi tiêm vaccin 5 trong 1 này( tính đến 10/2015). Các bà mẹ bỉm sữa ngày đêm hoang mang, băn khoăn nên hay không tiêm cho trẻ. Còn bộ y tế thì đang đau đầu vì người dân khủng hoảng niềm tin, khi không chịu đưa trẻ tiêm chủng đúng hẹn. Nếu như các nhà thống kê vào cuộc, và tính toán, sẽ cho thấy xác xuất trẻ tử vong vì đúng là do Quivaxem ở mức rất thấp, trong ngưỡng giới hạn mà WHO cho phép. Ngược lại với số lượng cao trẻ bỏ tiêm chủng như hiện nay, gánh nặng bệnh tật đang gia tăng và các loại bệnh như bạch hầu, ho gà trước kia hiếm gặp nay đang tăng trở lại, đó là chưa kể tỷ lệ viêm màng não mủ đang gia tăng, gây quá tải các bệnh viện tuyến trên.

Có rất nhiều điều trong cuộc sống, thoáng nhìn ta nghĩ sẽ dễ dàng có câu trả lời, và hài lòng với kết quả. Nhưng Malcolm Gladwell không nghĩ vậy, luôn có bí mật nào đó mà nếu bỏ qua cảm tính thông thường, ta sẽ khám phá ra những điều thú vị. Hãy nghĩ về câu nói này: Điểm mạnh nhất cũng là điểm yếu nhất của bạn. 19 bài báo trong sách nói về nhiều câu chuyện với chủ đề khác nhau, nhưng có điểm chung là lật lại những vấn đề cũ và kiến giải ở một góc nhìn khác. Góc nhìn của chuyên gia.
Trong hằng hà sa số sản phẩm, hãy trở thành kẻ tốt nhất. Với mù tạt, không tuyệt đối như thế, hãy là một trong nhiều nhóm tốt nhất. Thế quái nào mà với tương cà, the best is the best. Thật khó nhai nhưng bạn sẽ hiểu được vì sao( bài Hóc búa câu hỏi Ketchup).

Hay như thiên tài nở sớm và tài năng nở muộn. Qua câu chuyện về hoạ sĩ Cézanne và nhà văn Ben Fountain, Gladwell xoá đi suy nghĩ cố hữu: thiên tài là những người trẻ tuổi thành công sớm. Biết đâu đó ta đang bỏ qua, và lãng quên đi những tài năng tiềm ẩn, nhưng đang cần được giúp đỡ để hiển lộ.

Vụ sụp đổ của Enron là một chủ đề lớn trong sách. Từ việc toà án đã sai trong việc phán lãnh đạo Enron đã che giấu thông tin gây hậu quả nghiêm trọng. Thực ra họ công khai tất cả với mọi người ấy chứ. Đó là lúc sự khác nhau giữa câu đó và bí ẩn được nêu ra. Và có vẻ như việc sụp đổ của Enron là không thể tránh khỏi vì lỗi hệ thống ngay từ ban đầu. Giống như loài người, tạo ra quá nhiều thứ hỗ lốn đến độ không kiểm soát được chính mình nữa. Diệt vong là điều hiển nhiên. Ngay cả cách tuyển chọn nhân tài của Enron cũng thế, điển hình của việc đề cao thành công của cái tôi cá nhân, hạ thấp thành quả tập thể. Theo Gladwell chính sách nhân lực của Enron và McKinsey là ảo tưởng về những con người tài giỏi, và tổ chức tự do 0 phải là muốn gì thì làm đó. Ngược lại với Enron, tôi nghĩ về những công ty của Nhật Bản, nghe nói là họ trả lương và phúc lợi theo thâm niên, kinh nghiệm chứ không dựa trên chức vụ và địa vị. Dĩ nhiên là mỗi bên đều có ưu nhược. Giờ quay sang Việt Nam, lâu nay trong các cuộc nhậu, bạn tôi hay so sánh, khen công ty nước ngoài trả lương theo năng lực, chê nhà nước trả lương theo thâm niên. Có phải VN đã đúng khi chọn giống như Nhật, hay cách làm của ta sai mà giờ đất nước be bét thế này?

Đờ người và hoảng sợ là bài mà tôi cho thú vị nhất. Vì nó gần gũi và tôi gặp nó hằng ngày. Đờ người, cái cảm giác bạn đã biết tất cả, thế mà đụng chuyện nó lại bay đi đâu mất, nhất là khi trực cấp cứu hay vấn đáp đối mặt với giảng viên. Cách giải quyết tốt nhất theo Gladwell là luyện tập, luyện tập thật nhiều và để cho kinh nghiệm thay thế phần não lý trí của bạn. Nó liên quan đến cơ chế não mới não cũ trong thần kinh học, nên tôi thấy nó khá hay ho.

Cách viết của Gladwell khiến tôi liên tưởng tới cấu trúc thơ Đường: đề, thực, luận, kết. Mở đầu ông sẽ bắt đầu bằng câu chuyện về một nhân vật hay sự việc. Cái này chỉ để bắt cầu qua nội dung chính sẽ được phân tích rõ tiếp theo. Sau đó có thể là một cách nhìn trái ngược hẳn, đánh bóng cho sáng lung linh lên hay chà nhám để đạp đổ. Kết thúc sẽ quay lại câu chuyện ban đầu, và thường có những tình tiết bất ngờ mà ông cố tình giấu để nhá hàng sau cùng. Đọc ông như xem một trận bóng đá, nghẹt thở đến phút 90 +2. Glad miêu tả con người rất chi tiết và tỉ mỉ. Viết về ai đó, không chỉ đơn giản về điều họ làm, thành công hay thất bại. Ông lôi ra cả sở thích, thói xấu, và cả họ hàng bạn bè, ghim chặt ấn tượng của bạn vào mỗi nhân vật. Đọc ông,  giống như xem phim, và thú vị hơn vì nó logic chặt chẽ.

Khai thác cuộc sống từ góc nhìn kiểu nhà khoa học, nay có rất nhiều sách được xuất bản, các cuốn về kinh tế hành vi như: kinh tế học hài hước, đô la hay lá nho, kinh tế học và sex, củ khoai tây ngồi trên ghế bành... Nhưng sách của M.Gladwell luôn là tác phẩm có sức hút và hay nhất mà tôi tìm mua.
Ps: theo dõi loạt bài về Quivaxem

Saturday, September 26, 2015

[REVIEW] + [RECOMMEND] PHẢI TRÁI ĐÚNG SAI

Tên sách: Phải trái đúng sai
Tác giả: Michael Sandel
Nhà xuất bản  Trẻ
Giá bìa: 125k

Bạn thích bìa nào hơn
Tại sao tôi thích Phải Trái Đúng Sai?

Ngày 26/06 Toà án Tối cao Mỹ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới. Mọi công dân  Mỹ có thể kết hôn mà không phân biệt giới tính hay xu hướng tính dục. Tôi thực sự vui mừng khi nghe tin này. Bởi nỗ lực không biết mệt mỏi của cộng đồng LGBT đã có kết quả. Ngay trong trường đại học của tôi, tranh cãi về vấn đề này đang âm ỉ nhưng rất gay gắt. Những lời xì xào “anh giảng viên này là gay” hay “lớp mày có mấy thằng bóng ? ” thường được đem ra bàn tán. Dù là dân học y, cái mác “gắn liền với khoa học”, nhưng đa số sinh viên trường có định kiến về thế giới thứ ba. Họ xem đó là cái gì rác rưởi và đáng kinh tởm. Thậm chí chuyện này được đem ra khẩu chiến trên “confession” của trường. Tôi cho rằng, con người có những quyền bất khả xâm phạm: quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc như trong tuyên ngôn độc lập, và cả tự do báo chí, tự do thông tin... Và vì thế việc người đồng tính yêu và cưới nhau xứng đáng được trân trọng. Vì tôi đơn giản nghĩ con người có quyền tự do để làm như thế. Tôn trọng điều đó là tôn trọng phẩm giá của con người. Và những ai phản đối hay kì thị là hẹp hòi và đầy định kiến.

Nhưng tôi đã phải lật đi lật lại cách suy nghĩ của mình về quyền tự do ấy, khi đọc “Phải Trái Đúng 
Sai”. Tôi cho rằng phủ nhận hôn nhân đồng tính là không tôn trọng quyền tự do, xem họ bất bình đẳng trước pháp luật. Nhưng mọi chuyện đi xa hơn thế, để được công nhận, ta phải xem xét mục đích của hôn nhân là gì trước đã? Và xã hội tôn vinh điều gi qua việc kết hôn? Và tại sao được nhà nước( chính quyền) công nhận lại quan trọng đến như vậy, có thể nào tách việc dựng vợ gả chồng ra riêng được không?( khi đó giấy đăng kí kết hôn sẽ thành giấy lộn trong sọt rác). Cả phía ủng hộ và chống đối đều đưa ra những lí do xác đáng riêng mà bạn sẽ tìm thấy trong sách, nhưng đều phản đối việc tách hôn nhân ra ngoài việc được nhà nước công nhận. Điều thú vị là ý kiến: nếu nhà nước trung lập trong vấn đề giá trị đạo đức của các mối quan hệ riêng tư tự nguyện, thì hôn nhân đồng tính được chấp nhận. Và nếu thế, đa thê cũng được tính đến luôn. Và tôi đã AH lên khi đọc đến đoạn này, mọi chuyện 0 chỉ đơn giản đến thế!!! Dù sao thì tôi vẫn ủng hộ hôn nhân đồng tính( tôi 0 gay đâu nhé), nhưng tôi vui vì sách đã làm não có thêm nếp nhăn.

Phải Trái Đúng Sai nói gì?

Giờ thì bạn đã tò mò về nói rồi chứ? Sách đưa ra 3 cách tiếp cận về vấn đề đạo đức, trả lời cho câu hỏi : Điều gì đúng nên làm? Nếu bạn nghĩ điều tốt nhất là làm điều có ích nhất, đạt nhiều hạnh phúc nhất( ít nhất là cho nhiều người nhất) thì bạn thuộc phe thuyết vị lợi của Bentham. Nếu bạn cho rằng: không phải thế, điều đúng không nhất thiết phải theo đa số mà nên là tôn trọng quyền tự do, quyền cơ bản của mỗi người, miễn không ai đụng tới ai là được. Bạn đang ủng hộ cho Kant và John Rawls. Còn nếu bạn tin rằng đạo đức, phẩm chất đúng đắn được tin tưởng và dạy bảo bao năm qua, mới là cái dùng để đánh giá chính xác, thì chúc mừng, Aristole sẽ chào đón bạn đến với Mục đích luận của ông. Khám phá 3 cách tiếp cận, ưu và nhược, đi cùng những tình huống –  “case study” – thời sự và cực kì gần gũi là điểm cộng vô cùng lớn cho sách. Luận cứ được sắp xếp và trình bày rõ ràng dễ hiểu và theo dõi khiến tôi phải thán phục đầu óc của người Tây phương. Nhờ thế mà bạn sẽ dễ dàng tra đi lật lại những luận điểm “thông não” để hiểu kì được mới thôi. Bạn sẽ mất sự tự tin vào những gì mình nghĩ trước đây là đúng. Nó chắc chắn sẽ thay đổi cách nhìn của bạn, theo hướng sâu sắc và hại não hơn.

Điểm trừ duy nhất là độ dài câu văn rườm rà và dài đến gây khó hiểu. Tôi biết là dịch một tác phẩm triết học khó hơn những thể loại khác, vì phần lớn thuật ngữ triết học tiếng Việt ta không có. Đơn cử như chữ “tự do” đã có thể là freedom, liberty... mà trong liberty còn có libertarianism: tối đa hoá tự do cá nhân; liberalism: tự do nhưng trong một khung nguyên tắc chung. Dù rất trân trọng công sức của dịch giả, tôi nghĩ nếu như thêm nhiều dấu phẩy để ngắt các câu ra được rành mạch hơn thì việc hiểu nội dung sách sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Phải Trái Đúng Sai trên youtube

Phải nói là đọc sách 2 lần, và phải xem các bài giảng của Michael Sandel trên youtube tôi mới tạm hiểu những gì ông nói. Vậy nên lời khuyên chân thành của tôi là bạn nên đọc và xem video đồng thời để nắm vấn đề chắc nhất. Có người bạn nhận xét rằng Tây nó học năng động và vui quá, ước gi nước mình cũng thế. Tôi thấy ta cũng thế đấy chứ: ông thầy đưa ra tình huống, trò thay phiên trả lời, thầy tóm tắc và lý giải vấn đê... Điều này đã xuất hiện ở nhiều trường đại học Việt Nam từ mấy năm nay, vì thế tôi không nghĩ là người trẻ nên than phiền về môi trường học tập. Cái chinh là môi trường ngoài lớp học, có đủ khuấy động sức trẻ và tư duy.

Đọc Phải Trái Đúng Sai là bạn đã trang bị thêm vũ khí cho mình để đánh giá và trả lời cho câu hỏi “điều gì đúng?” cho những việc xảy ra với bạn, và cả xã hội gần đây. Tỉnh táo và phân tích nó, chắc chắn bạn sẽ trưởng thành lên nhiều.

Thursday, August 20, 2015

[Rewiew] NGÀY XƯA CÓ MỘT CON BÒ

Tên sách: Ngày xưa có một con bò
Tác giả: Camilo Cruz
Nhà xuất bản  Trẻ
Giá bìa: 46k

“Ngày xưa có một con bò” nói gì?

Ngày nảy ngày nay, trên cao đại ngàn của huyện miền núi Minh Long( Quảng Ngãi), có một gia đình 7 người nghèo xơ nghèo xác. Quanh năm làm lụng vất vả, chỉ trồng bắp cao sản GMO do nhà nước tài trợ mà vẫn không đủ sống. Thằng con lớn vất vả lắm mới học đến 12, những mong hết cấp 3 kiếm tấm bằng tốt nghiệp để đi làm, thì trong kì thi THPT năm ấy, nhờ bộ GD đổi mới quy chế coi thi nên cả trường đạt 100%... trượt tốt nghiệp. Quá nhọ nên anh phải qua Quảng Nam làm phu vàng kiếm sống. Nói ra để thấy cái tương lai mù mù tăm tăm như ánh điện quốc gia của gia đình này nó thảm thê như nào. Ấy vậy mà họ vẫn có cái tự hào lắm lắm. Đó là nhà họ thuộc hộ nghèo của xã. Nhờ nó mà hằng tháng còn có gạo trợ cấp( dù là gạo mốc và đã được cắt xén), mỗi khi có bảo lũ, có từ thiện gì là được lên ti-vi, có lãnh đạo tới thăm bắt tay,...Nói chung tờ giấy chứng nhận hộ nghèo là cái phao cứu sinh giữ núi rừng trùng điệp, thiệt quý hết sức, làm gì thì làm chứ vẫn phải giữ lấy danh hiệu hộ gia đình đói nghèo này. Cho đến ngày kia, thằng nào chơi ác, thù ghét gì đó xé tan cái giấy chứng nhận hộ nghèo - cả gia đình đói. Tuyệt vọng, chán nản, lo, lót không được, chỉ còn chờ chết. Sau một năm, những tưởng cuộc sống gia đình đó sẽ chìm vào trong màn đêm u u tối tối, không gượng dậy nỗi thì ô kìa lạ chưa đời sống bổng thay đổi 180 độ. Nhà trước kia làm từ vách lá tre nứa thì nay đã là cái villa bự thiệt giữa vùng; nay không còn trồng bắp nữa mà trồng keo trồng quế; đào 2 ao cá, chăm mấy đàn lợn, thêm cả con xe Inova mới cóng để chủ nhà giao dịch dưới xuôi nữa. Quả là thần kì, thật là tuyệt vời, chuyện như chỉ có trong kinh doanh đa cấp. Khi được phóng viên hỏi bí kíp nào tạo sự thay đổi thần kì như vậy, anh chủ nhà trả lời:” Nó là do tui mất cái giấy hộ nghèo đó chớ”
Tất nhiên là chuyện trong sách không phải zậy, nhưng mà kiểu tựa tựa, bài học rút ra là: điểm mạnh nhất cũng là điểm yếu nhất. Muốn đi xa thì đừng mang nặng, muốn bay cao phải vứt bỏ rất nhiều( thầy Lê Tôn Hiến).

Hai mặt của “Ngày xưa có một con bò”?

Là câu chuyện ngụ ngôn dễ hiểu và sâu sắc, người đọc rõ: “Bò” tượng trương cho những lực níu kéo, kìm hãm sự phát triển. Nó có hai đặc điểm, một là nó tạo ra mức trung bình, tình trạng dở dở ương ương mà người Việt thường nói “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Hai là Bò do người nuôi, nên chính mỗi người là nguyên nhân tạo ra nó: bao biện, lý lẽ, ăn mày quá khứ... Có rất nhiêu người khi gặp vấn đề, là đổ lỗi cho người khác, vô trách nhiệm với công việc. Họ ngạo mạn và kiêu căng,phách lối. Bò là cú đánh mạnh vào đầu họ, đủ để tỉnh, rằng anh, chính anh mới là nguyên nhân cho hỗn loạn, thất bại, tình trạng trì trệ nào đó.  Đó là kiểu người nghĩ bên ngoài chứ không hướng suy nghĩ vào trong mình, ích kỷ và thường ghen tỵ. Ngược lại cũng có vô số người thích gặm nhấm nỗi đau, tự đổ mọi tội lỗi lên mình, luôn nghĩ mình luôn kém cỏi, mọi chuyện đúng là do mình đó, tui không có đổ cho ai đâu, nhưng tui phải làm sao đây? Như trong tâm thần học, có loại người hưng cảm sôi nổi bốc đồng, thiếu chín chắn thì cũng có người trầm cảm hay chán nản, buồn rầu, thích nghĩ mình có tội. Và cũng có loại rối loạn lưỡng cự, ấy là cứ đợt hưng cảm, sau đó trầm cảm, rồi thay phiên diễn tiến. Nhận biết bò sẽ tốt vô cùng cho kiểu người thứ nhất, nhưng nó có thể gây nên thảm hoạ với kiểu người thứ 2, họ có thể tự tử khi quá bế tắc chẳng hạn.

Tiêu diệt Bò cần có một sự mạo hiểm. Vì ta không rõ tương lai sẽ ra sao khi mất nó. Câu hỏi đặt ra là con Bò này là giới hạn đang cản trở tôi, hay tiếp tục nuôi Bò, kiên trì mới là điều nên làm? Câu hỏi này dẫn đến một câu hỏi khác: Khi nào thì nên thay đổi, khi nào thì nên tiếp tục? Để trả lời nó, tôi nghĩ đến câu chuyện ngụ ngôn hiện đại khác “Who moves my cheese?”( tác giả Spencer Johnson). Thay đổi là điều bất biến( thật ngược đời), vậy nên phải luôn cảnh giác, theo dõi, để rồi dự đoán sự thay đổi để thay đổi cho phù hợp. Nhân vật người tí hon “chậm chạp” đã thấu hiểu điều này sau khi trả qua một quá trình tìm Bò và diệt Bò như trong tác phẩm. Đó là lý do tôi đề cao “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” hơn “Ngày xưa có một con bò”. Nó tổng quát và triết lý sâu hơn nhiều.


Một câu hỏi nữa được đặt ra khi tôi liên tưởng tới câu chuyện ngụ ngôn khác “Con cáo và chùm nho”: Khi nào thì thì ta tiếp tục, nỗ lực chiến đấu; khi nào chấp nhận thực tế, biết đủ? Bởi ta không thể cứ ảo tưởng sức mạnh bản thân, điên cuồng cuồng làm bất chấp kết quả là vô ích. Đâu là ranh giới giữa lời bao biện, lý lẽ và cái nhìn khách quan xác thực? Câu trả lời thực sự khó. Tôi nghĩ giống như cuộc chiến chống lại bệnh tật. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi giai đoạn có đối sách riêng nhưng đừng để rơi vào giai đoạn cuối, không thể xoay sở được nữa, ta “mất bò mới lo làm chuồng”

Dù sao đi nữa, bởi vì con người thường không chịu nhìn lại mình giống như chàng Naziss tự ngắm mình trong hồ nước( đọc Nhà giả kim), nên tìm Bò, và biết mình có Bò chính là bước đầu tiên đặt chân lên con đường tư duy.( theo kiểu Bát Kỳ - Ai đọc Hoả phụng liêu nguyên sẽ thấy quen câu này)

Tuesday, June 30, 2015

Nhà Giả Kim – Lời tuyên chiến của những kẻ mộng mơ


“Khi học trò sẳn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”. Đó là điều tôi cho rằng “nhà giả kim” đang nói đến. Hãy xem một vài ý tưởng:

Đầu tiên, mở đầu câu chuyện về hồ nước và chàng Naziss của Oscar Widle. Chàng Narziss chỉ nhìn thấy mình đẹp tuyệt trần qua Hồ nước. Còn Hồ nước chỉ thấy mình diễm lệ nhất trong mắt chàng Narziss. Con người cũng như thế, luôn cho mình là nhất, nghĩ cho mình trước hết. Khi chưa chịu mở to mắt ra quan sát, ta chẳng cảm nhận được điều gì thế giới xung quanh, vì bên trong ta chỉ thấy có chính ta mà thôi.

Thứ hai là những dấu hiệu. Muốn theo đuổi giấc mơ như chàng Santiago, ta cần phải theo đuổi dấu hiệu chỉ đường của vũ trụ(đấng tối cao thiêng liêng, thần thánh,... ) Cũng chả quan trọng mấy nếu biết rằng cố gắng tìm kiếm nó cũng thừa, phương pháp không phải thuần lý trí mà trước hết bằng tình yêu, dùng cảm xúc để dẫn đường. Đôi khi cảm xúc của bạn bị lầm. À không phải đôi khi mà là thường xuyên cảm xúc của bạn lầm lẫn, nó đánh lừa bạn. Đó là khi Santiago tin tên bịp bợm đã chôm sạch số tiền dành dụm để sang Ai Cập, thay vì cố hiểu nghe lời người chủ quán tốt bụng cố cảnh báo. Cũng có thể là cảm giác nuối tiếc khi phải quyết định chọn theo đuổi giấc mơ lớn thay vì đi theo tiếng gọi tình yêu. Dù cảm xúc có hay chỉ sai đường đến đâu thì nó cũng thực sự thiết yếu để tìm kiếm phương hướng trên đường đời. Hãy nhớ rằng vũ trụ nói chung một ngôn ngữ không lời: như Santiago dùng nó để cùng dựng rạp cho người bán bánh kẹo Ả Rập khác ngôn ngữ, như lúc Santiago hiểu bầy cừu dù chúng luôn im lặng, như lúc gặp Fatima người tình trăm năm của chàng,... Tất cả là nhờ xúc cảm, cỗ máy dò năng lượng tuyệt vời. Để xúc cảm không lầm lẫn, hãy mài bén và rèn luyện. Nó sẽ dẫn bạn đến “tâm linh của vũ trụ”

Thứ ba, bởi đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, nên muốn nhận biết dấu hiệu, phải kết nối với tâm linh của vũ trụ. Nghe như là đang tuyên truyền cho luật hấp dẫn. Nhưng điều nhấn mạnh ở đây là dùng ý chí và cảm xúc không chưa đủ, mà phải hành động, thông qua hành động mới học được điều đúng. Cứ nhìn chàng người Anh và Santiago thì thấy rõ, một bên lý thuyết suôn, một bên biết quan sát và xắn tay áo lên làm. Kết quả khác nhau rõ. Hành động mới cái cho thấy Santiago đã sẵng sàng. Và khi đã như thế, những người thầy xuất hiện: bà đồng gypsy, chủ cửa hàng pha lê, người phu lạc đà dẫn đường, và cả nhà giả kim nữa,...


Vậy tại sao nói hành trình của Santiago là hành trình dành cho kẻ mơ mộng? Vì qủa nó như giấc mơ vậy. Điểm kết thúc quay về điểm khởi đầu, xung đột tình yêu và sự nghiệp giải quyết dễ như ăn cháo, thay đổi góc nhìn về khó khăn chỉ qua vài câu văn ngắn ngủi. Thực là không thể tin mọi chuyện lại suôn sẻ đến vậy. Có lẽ tác giả đã lượt bỏ cái khốc liệt của cuộc sống, và đơn giản hoá khó khăn để câu chuyện nên thơ và giàu màu sắc tươi sáng. Cuốn sách thực sự truyền cảm hứng ngùn ngụt nếu bạn đang hay đã mơ mộng điều gì đó rồi. Nếu không cũng chả sao cả, vì như đã nói, người thầy chỉ xuất hiện, khi học trò đã sẵn sàng. Vấn đề là bạn đã sẵn sàng đến đâu rồi? Phải nhanh lên chứ!!!

Monday, June 8, 2015

[REVIEW] NẾU BIẾT TRĂM NĂM LÀ HỮU HẠN... & NHỮNG CÂU CHUYỆN NGỤ NGÔN

Tên sách: Nếu biết trăm năm là hữu hạn.
Tác giả: Phạm Lữ Ân( Bút danh chung của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy)
Nhà xuất bản Hội nhà văn.
Giá bìa: 68k

Khi được biết nhóm sách sẽ viết review cuốn này, bạn gái tôi có bảo:” Chắc là mọi người sẽ thích cuốn này và viết tốt về nó. Hay là anh thử chê, và viết ngược lại xem sao?” Câu nói làm tôi chột dạ, vì nhớ có lần Nguyễn Duy Cần trong “Tôi tự học” có nói một ý: có những cuốn sách ban đầu ta đọc thấy rất hay, nhưng sao hoá ra lại dở, không giá trị nhiều, nhưng đến lúc nào đó đọc lại mới ngộ ra và hiểu hết ý tác giả, là ta đọc không kĩ mà hiểu lầm, hiểu chưa tới. Đây là cuốn sách như thế.

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn...” tập hợp các bài viết cho chuyên mục “Cảm thức” của tuần san 2! Báo sinh viên Việt Nam. Tác giả viết dành cho những người trẻ, đang trưởng thành, đối mặt với nhiều băn khoăn, quyết định trong cuộc sống: gia đình, tình yêu, sự nghiệp, cách sống... Giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm như rót vào tai, khuyên nhủ bảo ban và dìu dắt. Chắc chắn ai mới chập chững bước vào đời, đón nhận những cái “vỗ vào mặt” đầu tiên của cuộc sống sẽ tìm được đồng cảm và an ủi. Sách nói trúng và đúng tâm lý. Lượt qua những lời khen tặng ở trang bìa sau sách của độc giả, 6/8 trong số đó có các từ như: tỉnh dậy sau mộng mị, tìm kiếm bản thân, mặn đắng, buồn, mất phương hướng, chút hy vọng, suy tư, phân vân, mơ hồ, ... và cả tuyệt vọng nhất. Nó nói lên điều gì? Bất kì người nào muốn trưởng thành đều phải đi qua giai đoạn này cả. Dù ở thời đại nào, thế hệ nào, bạn, tôi, cậu bé Holden Caulfield trong “Bắt trẻ đồng xanh” đều có chung cảm xúc như thế. Có những người vượt qua được, có người không, có người thậm chí tự tử như  trong bài viết: Có khoảnh khắc cứu cả cuộc đời. Và cuốn sách này thực đáng quý khi thấu hiểu điều đó, để ta biết ta không lạc lõng, có ai đó giống mình. Hãy nghĩ xem, biết đâu nhờ những bài viết ý nghĩa như thế này đã ngăn ngừa được bao nhiêu trường hợp tự tìm đến cái chết.

Cái dở là gì? Độc giả có thể không còn phải suy tư, tự vượt qua nghịch cảnh nữa. Vì đã có tác giả nói giùm, nghĩ hộ cho rồi. Con bướm đã không tự mình phá vỡ cái kén chui ra.
Tôi của tuổi 22 rất say mê nó; giờ đọc lại thấy không đã, không hay, không à lên vỡ lẽ ra nữa. Tôi nhìn lại như nói: cái này biết rồi, cái kia tôi cũng biết, tác giả có cần nói dài dòng như vậy không? Sách đã nhàm chán rồi ư?
Không, nó không hề mất đi giá trị bạn ạ! Mỗi bài viết là một suy ngẫm, đôi khi là triết lí, có thể của tác giả, có thể của ai khác , nhưng vì viết cho tuổi trẻ, tuổi nổi loạn, lạc lõng nên mới dùng cách nhẹ nhàng, câu từ thủ thỉ tâm tình. Nó sẽ không hợp cho độ tuổi 30-40 trở lên, bạn đòi hỏi một cái gì đó dạn dày, dữ dội, kịch hơn, đời hơn. Nhưng nếu bạn có con cái, có em trai em gái tới tuổi như thế này,muốn chia sẻ đồng cảm với nó, tôi cho rằng cùng bài học đó mà truyền đạt như cách của tác giả là dễ dàng hơn cả. Bởi ai cũng thích ngọt ngào. Cũng giống như chuyện ngụ ngôn là những viên kẹo bọc đường mang trong mình bài học. Con không hiểu cha, anh em không hiểu nhau, bạn bè hiểu lầm,... nếu mà cứng rắn quá, thẳng thắn quá thì không có vào, dễ gãy. Và lứa tuổi này là rất dễ gãy vỡ. Tới đây tôi lại thấy chuyện ngụ ngôn quá là thâm sâu ảo diệu: ngắn, dễ nhớ, và tuổi nào cũng học được. Đừng thấy nó bình dị, giản đơn mà xem thường.


Một tập sách có bài hay bài dở, bài tạm. Tôi để ý thấy những bài viết đầu sách hay và suy nghĩ phần logic hơn, không dài dòng văn tự nhiều. Có một bài đặc biệt thích là “Khi ấy một người đàn ông sẽ ra đời” nói về sự trưởng thành. Cả bài chỉ câu kết là hay nhất:” Bạn trưởng thành khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành một điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình”. Mỗi bài đều có một câu hay như thế, hãy tìm ra nó khi bạn đọc sách lại lần 2,3,4...n. Đừng để những câu văn dài ngoằn nghoèo làm chán bạn.

Sunday, April 26, 2015

[REVIEW] VANG BÓNG MỘT THỜI - Nguyễn Tuân



Tựa sách: Vang bóng một thời
Tác giả: Nguyễn Tuân
Nhà xuất bản Văn học
Giá bìa: 20 000 đ


Nguyễn Tuân viết "Vang bóng một thời" vào 1940 - trước CMT8. Thực ra tập truyện ngắn này tập hợp những bài viết trong chuyên mục " Vang và bóng một thời" được ông đăng trên 1 tờ báo xưa. Sau  được nhà xuất bản Tân Dân in ấn. Đây được xem là tác phẩm đạt gần đến sự toàn thiện mỹ, đưa Nguyễn Tuân thành ngôi sao sáng của văn đàn
Tác phẩm gồm 12 truyện ngắn có thể chia làm 2 thể loại. Loại thứ nhất gồm các truyện: những chiếc ấm đất, hương cuội, chén trà trong sương sớm, thả thơ, đánh thơ, một cảnh thu muộn... mang phong cách nhẹ nhàng, tinh tế, miêu tả cái thú chơi thanh cao tao nhã của nhà nho trí thức xưa trong buổi giao thời Hán học - Tây học. Bên cạnh đó  là các truyện: chém treo ngành, chữ người tử tù, đánh bút chì, báo oán,... mang cái không khí rờn rợn, tăm tăm tối tối, khiến người đọc hồi hộp dõi theo từng nhân vật, để rồi trân trọng và thán phục những con người ở tầng lớp dưới, những kẻ sa cơ mà có cái lòng thanh cao hay tài năng hiếm có.
1.       Chém treo ngành:
Truyện kể về một người đao phủ già tên Bát Lê nổi tiếng với cái tài “chém treo ngành”. Tức là chém đứt đầu người, chỉ chừa lại cọng da mỏng dính. Nghe hơi rợn rợn. Cái lối chém của ông lão đao phủ này, cùng với cái lối “đánh bút chì” của tay Lý Văn trong truyện “Ném bút chì”(cũng in trong tập sách này) quả là độc nhất vô nhị. Tay Lý Văn dùng cái mai( dáng giống cái thuổng đào đất) ném gãy đứt chân con gà đang chạy, mà cũng 0 hẳn là đứt lìa chân nhé, đứt ngang ngọt lịm, vẫn dính cọng da mỏng mới tài. Ấy quả là người tài thật. Nếu như theo Malcom Gladwell phải luyện 10 000 giờ để thành chuyên gia thông tường tinh xảo một kỹ năng thì 2 con người  này đã phải xuống tay biết bao nhiêu lần, kể ghê gớm thật đó. Mô tả Bát Lê, người đọc không có chút ghê sợ hay oán ghét con người hay cái công việc “bạo lực” của ông, mà ngược lại cảm nhận được cái khí khái hơn người toát ra từ lão đao phủ. Nhất là mấy câu thơ ông đọc lúc múa  “thanh quất” :
Sống không thù nhau
Chết không oán nhau
Thừa chịu lệnh cả
Dám nghĩ thế nào
Ngươi ngồi cho vững
Cho ngọt nhát đao
Hỡi hồn!
Hỡi quỷ không đầu.
Kẻ tử tội, có nghe được mấy câu thơ này, cũng cam lòng mà ra đi. Ở cảnh cuối, lúc quan công sứ người Pháp ra về, bụi lốc cuốn lên, hất văng mũ ngài công sứ xuống đất. Chi tiết này đã được chính quyền lúc đó lược bỏ đi trong các lần xuất bản sau này. Vì thế để đọc được phiên bản đầy đủ của tác phẩm, người đọc nhớ mua sách của Nhã Nam mới phát hành nhé. Đã mua bản quyền rồi.
2.       Những chiếc ấm đất:
Cụ Sáu là người mê trà Tàu. Cái thú đó của cụ chẳng những công phu mà còn tốn kém. Nước pha trà phải lấy từ giếng nước ở chùa Đồi Mai mới chịu. Đến nỗi chính ông đã nói:”Tôi sở dĩ đi đâu xa được là vì không đem theo được ước giếng này đi để pha trà...” Chỉ câu văn này của Nguyễn Tuân đã thấy được độ chịu chơi của cụ Sáu:
Nghề chơi cũng lắm công phu
                                        (Truyện Kiều)
Muốn pha trà phải có ấm trà. Mô tả cái sự cầu kì, kĩ tính của ông cụ Sáu này, Nguyễn Tuân đưa vào nhân vật “ông Khách”. Ông Khách đàm đạo với cụ Sáu câu chuyện về một thằng ăn mày  có cái ấm trà quý , cũng mê trà Tàu, lại có khả năng chỉ uống 1 chén trà cũng biết được bình trà nào đó có lẫn mùi tro trấu bên trong. Xuyên suốt câu chuyện, 3 nhân vật cứ ẩn hiện hoà làm một. Nói chuyện cụ Sáu mà hình như đó là ông Khách, có khi ông Khách lại chính là thằng ăn mày đó cũng hay, hay là lời nhắc khéo của Khách, cụ Sáu mà mê trà Tàu quá thì có khi cũng phải đi ăn mày. Cái hay nữa là dù ở trong hoàn cảnh nào, môi trường nào cốt cách con người ta vẫn không thay đổi. Cái tính khoan thai chỉn chu khi pha một ấm trà, chuyên tâm để được một chén ngon thì dù có từ ông già tiêu diêu tự tại sành sỏi nghề chơi nếu có xuống làm anh ăn mày, phải bán đi cái ấm quý, cũng không thay đổi. Đó là cái nền, cái nếp đã ngấm vào con người ta, như một chén trà, uống vào rồi mà vị trà, hương trà còn kéo dài mãi. Chi tiết cuối truyện ông cụ Sáu phải bán đi ấm quý để trang trải lúc sa cơ. Mình thấy thú vị ở chỗ, cụ không bán nguyên lô, mà bán ấm trước, bán nắp ấm sau. Tác giả để nhân vật giải thích là bán 2 lần như thế thì được giá, tiền lời nhiều hơn. Mình lại nghĩ là cụ Sáu thực là tiếc lắm lắm, bán 2 lần là để kéo dài thời gian, để có cơ hội mua lại những chiếc ấm quý đó trở lại. Đợi khi thế thời thay đổi, cuộc sống khá hơn, cụ lại giữ được những báu vật của mình – những chiếc ấm đất.
3.       “Thả thơ” và “Đánh thơ”
2 truyện này viết về một phong tục ở xứ Huế, thời Nguyễn. Thả thơ hay đánh thơ nói nôm na trần tục là đánh bạc bằng văn chương, một kiểu rất quý tộc. Còn đối với học sinh, sinh viên sẽ thấy giống trắc nghiệm, chọn câu đúng nhất. Nếu ai từng chơi lô tô, bầu cua tôm cá, ném phi tiêu đặt cửa ăn tiền thì thấy luật lệ của thả thơ cũng dễ hiểu. Người cầm cái, phải là người am hiểu thi phú, sẽ trải ra trên giấy mấy câu thơ, trong đó có câu khuyết mất một chữ, chữ này được thay thế bằng cái vòng, gọi là vòng thơ. Tiếp đó sẽ có mấy cái ô trống nơi để chữ/ từ thay thế cho vòng thơ. Bạn muốn đánh vào chữ nào thì đặt tiền vào chữ đó. Ví dụ, thả câu:
Quân hướng Tiêu Tương ngã ...Tần
A. cố              B. tại                      C.vọng                  D.phản                 E. Hướng
Bạn đặt tiền cửa nào A, B, C, D hay E?
Cũng là cờ bạc, cũng có máu ăn thua, vậy mà có cái tao nhã trong đó. Ấy là nhờ thi phú. Người cầm cái phải là người làu làu thơ phú, nhất là thơ cổ, cũ, độc. Nói như bây giờ là không độc không ăn tiền được. Người chơi, ăn thua đấy, lúc đánh được một chữ trúng hay bất ngờ trước cái đáp án dị kì đều khảng khái mà ngâm lên câu thơ vừa đánh mà ra chiều tâm đắc. Có khi cả sân đình nơi tổ chức thả thơ âm vang tiếng ngân, như một dàn ca. Thắng vui, thua cũng vui... ít. Đánh bạc nhưng không có cái ồn ào chen chúc, cái bực tức cãi cọ, so đo tính toán nhiều. Loại hình này hợp nhất là mấy vị gió trăng đề huề, học đòi thi phú cho ra dáng nho sĩ. Chứ nông dân, lính lác, ê a hoài như thế mất cả vui... hehe. Giả sử có một anh nông dân và một anh nhà thơ tranh luận với nhau về 2 hình thức đánh bạc: thả thơ và đánh bạc thông thường. Anh nào cũng cho là mình đúng. Anh nhà thơ sẽ chê anh nông dân là dung tục, xô bồ, không biết thưởng thức nghệ thuật. Anh nông dân sẽ phản bác rằng tụi nhà thơ tụi bây chỉ giả vờ sang chảnh, tham tiền cũng tham như nhau mà bày đặt thi phú. Có lẽ 2 người bài bác nhau vì không am hiểu lẫn nhau. Có hiểu mới yêu, mới biết thưởng thức. Riêng tôi, tôi chọn thả thơ, vì nó nhẹ nhàng hơn, chậm rãi hơn, cho tôi trí tưởng tượng và biết thưởng thức. Chả bên nào đúng cả, quan trọng là bạn chọn bên nào, và được gì, vậy thôi.
Ngày nay ở Huế gần đây người ta đã cho khôi phục lại hình thức văn hoá này. Tuy thế vẫn ít người biết đến. May mắn là tập vang bóng một thời này miêu tả chi tiết và sống động về phong tục này. Mình ít thấy các tác phẩm nào khác như thế.
4.       Ngôi mả cũ:
Ý kiến cá nhân: đây là câu chuyện có nhiều cái tình nhất trong tập sách này. Cái tình giữa cụ Hồ - tướng quân Cờ Đen với cụ Án, thân sinh của cô Tú và cậu Chiêu( 2 nhân vật chính của truyện), cái tình của người chị hi sinh cuộc đời con gái ở vậy nuôi em trai ăn học. Tình cảm 2 chị ăn gắn bó vượt qua những khi hàn vi rau cháo qua ngày. Cái tình thương yêu của cụ Hồ với 2 chị em, ông có cái bụng yêu mến cái đức tính chịu thương chịu khó của cô Tú, cái thiên lương còn giữ được của cậu Chiêu lúc nhà khó khăn. Ông không chê 2 người trẻ nghèo mà quý cái ý chí vươn lên của họ.  Ấy là còn điểm xuyến tình cảm của người phu kiệu vẫn nhớ ân tình cụ Án ngày xưa. Nói thế để thấy là con người ta khi xưa giàu tình cảm, xử sự thật là phải phép, chuẩn mực. Nguyễn Tuân kể chuyện mà không phải truyện. Một cái kết không rõ ràng, để ngỏ đó. Phải rồi vì nó đâu có quan trọng. Quan trọng là cái tình, cái khéo trong hành động của các nhân vật. Chỉ có vậy mà truyện vẫn hấp dẫn, dư âm còn kéo dài mãi.
5.       Hương cuội
Hương cuội làm mình thích thú phát hiện ra khi xưa người ta ăn kẹo mạch nha phủ lên lớp đá cuội, ướp hương hoa lan nữa chứ. Trước giờ vẫn nghĩ chỉ Quảng Ngãi quê mình có kẹo mạch nha, đọc “Hương cuội” mình hiểu rằng đây là món ăn lâu đời, và đã có ở miền quê Bắc Bộ lâu lắm rồi. Ếch ngồi đáy giếng thật.

Hương cuội miêu tả không khí gần tết của một gia đình. Cụ Kép cùng con cháu quây quần rửa lá dong, nấu bánh chưng, chăm chút cho vườn Lan để nở đúng dịp tết, nấu kẹo mạch nha, uống rượu ngâm thơ, thưởng thức cái không khí mà chúa Xuân mang về. Thực là nhẹ nhàng và êm đềm quá đỗi. Mình thích nhất là đoạn văn nói suy nghĩ của cụ về chơi hoa:
”... có một vườn hoa là một việc dễ dàng, nhưng đủ thời gian mà chăm sóc đến hoa mới là việc khó...Người chơi hoa nhiều khi lấy cái chí thành chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không biết bao giờ biết lên tiếng nói. Như thế mới phải đạo, đạo của người tài tử. Chứ còn cứ gây được lên một khoảnh vườn, khuân hoa cỏ ở các nơi về mà trồng, phó mặc chugs ở giữa trời, đày chúng ra mưa nắng với thờ ơ, chúng trổ bông không biết đến, chúng tàn lá cũng không hay, thì chơi hoa làm gì cho thêm tội với Chúa Xuân”
6.       Chén trà trong sương sớm:

Lại thêm một truyện về trà Tàu. Hẳn là khi xưa Nguyễn Tuân và cha ông cũng mê cái món này lắm lắm. “Chén trà trong sương sớm” miêu tả một phương pháp thể dục, 1 cách dưỡng sinh xưa: uống trà và ngâm thơ sáng sớm.Theo ý cụ Ấm(nhân vật chính của truyện) “người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh. Thường hay vấn mình để sửa mình vào những giờ uống trà Tàu...” còn “ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là một cách vận động thần khí kì diệu nhất của môt người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất...”. Mình nghe xong thích quá, định sáng nào cũng pha một bình trà ô long, nhưng trà này mắc quá xá, phải dăm ba hôm mới pha một lần. Ở phương Đông, nước nào cũng thấy có uống trà: từ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên Hàn Quốc đến Ấn Độ, Pakistan, Srilanka, Việt Nam, Indonesia.... đều có cả. Nhiều nơi đã nâng lên thành trà đạo. Trà quả thực là thức uống của thần thái và trí tuệ. Mình nghĩ ai ai cũng nên uống trà cả.
.................

Đây là những truyện mình thấy hay và gợi nhiều suy nghĩ. Những truyện khác như: “Chữ người tử tù” đã được dạy trong chương trình phổ thông, Ném bút chì phong cách giống “Chém treo ngành”, “Báo oán” nghe hơi dị đoan, “Trên đỉnh non Tản” thì phiêu diêu huyền ảo, hơi xa cách thực tế. Trong 12 truyện, mình cho là “Chém treo ngành” là hay nhất. Còn mô tả nên thơ nhất là “Hương cuội”. Nếu được thì mọi người nên mua sách của Nhã Nam, đã bổ sung những đoạn bị cắt bỏ từ thời Pháp. 
Vang bóng một thời là hồi ức đẹp về thời dĩ vãng xa xưa nay không còn nữa. Đi cùng những con ingười tài hoa, những cầu kì trong thú chơi đó là cốt cách, nền nếp của thế hệ những con người. Hãy đừng để những điều đó lãng quên và biến mất dần, đừng để thế hệ ta nay bị hụt hẫng, bơ vơ với đứt gãy văn hoá, không biết đi đâu, về đâu.

Monday, March 30, 2015

[REVIEW SÁCH] CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM

Thông tin
Tựa sách: Cuộc cách mạng một cọng rơm
Tác giả: Masanobu Fukuoka
Nhà xuất bản tổng hợp TP Hồ Chí Minh, PHOENIX BOOK, Xanh Shop
Biên dịch: Xanh Shop — Hiệu Đính: Hoàng Hải Vân
Giá tiền: 79k

Cách mạng xanh và cách mạng một cọng rơm
Vào thập niên 1940 – 1960 Cách mạng xanh ra đời giúp con người đủ lương thực đối phó với bùng nổ dân số. Cũng trong thời gian ấy một người Nhật – ngài Masanobu Fukuoka – thực hiện, minh chứng một phương pháp nông nghiệp khác, nông nghiệp tự nhiên. So sánh giữa nông nghiệp hiện đại (dựa trên cách mạng xanh) và nông nghiệp tự nhiên (cách mạng rơm, :D), ta thấy có mấy điểm chú ý sau:
Nông nghiệp hiện đại sử dụng hoá chất, phân bón, cơ giới hoá ruộng đồng, dùng các loại giống được biến đổi. Lợi ích ngay trước mắt là tăng nhanh về sản lượng trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu của con người. Hậu quả là nông sản ngày càng giảm chất lượng( hết ngon, hết bổ) và độc hơn( do dùng nhiều hoá chất). Đất thoái hoá, môi trường ô nhiễm. Cây trồng chống chịu kém. Người nông dân bận bù đầu bù cổ và càng lệ thuộc vào các tập đoàn hoá chất và giống.

Nông nghiệp tự nhiên không cày xới đất, không dùng phân hoá học, không làm cỏ bằng việc cày xới hay thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc vào hoá chất. Cơ bản là “chẳng làm gì cả”, trừ vất vả một chút lúc thu hoạch. Nông nghiệp tự nhiên hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đến thiên nhiên. Và vì thế thực phẩm vừa ăn ngon, vừa là thuốc chữa bệnh. Môi trường được giữ nguyên vẹn. Người nông dân thảnh thơi và no đủ. Yếu điểm của nông nghiệp tự nhiên đó là cần thời gian dài để những kết quả trên thành hiện thực, khi ban đầu con người đã tác động đến thiên nhiên rồi

Cách mạng xanh nhận được ngân quỹ cuả Rockefeller Foundation, Ford Foundation...(theo wiki). Do đó công chúng được tuyên truyền về tính ưu việt của nó, còn các chính phủ có lẽ cũng đã nhận tiền để thực hiện chương trình này. Người ta rất ít, và hầu như không biết đến nông nghiệp tự nhiên.


Cọng rơm thức tỉnh cách sống của con người

Viết về nông nghiệp tự nhiên, ông Fukuoka hết sức nhẹ nhàng và khiêm nhường.Ông đơn giản kể lại câu chuyện cuộc đời mình; không bảo ban chỉ dạy. Những triết lí mà ông “thoáng thấy qua” có sức mạnnh như những cọng rơm được phủ lên khắp cánh đồng, để cho hạt giống cỏ dại chính là người đọc tự nảy nở và vươn lên. Chậm, chắc và lâu dài.
Có mấy điều ta hay lầm tưởng:
Con người là sinh vật cấp cao, ưu việt hơn các loài khác hay cũng chỉ là một mắc xích trong vạn vật
Các biện pháp canh tác hiện đại như nhà kính, tưới nước nhỏ giọt theo nhu cầu của cây, lai tạo và biến đổi gen, tạo nông sản trái mùa,... liệu luôn cho sản phẩm tốt nhất?
Làm nông là vất vả và bận rộn, hay là trở về và phụng sự thiên nhiên?
Sẽ có nhiều điều về cách sống, nhân sinh quan mà ta sẽ suy ngẫm lại khi đọc tác phẩm này. Mỗi người sẽ thu được quả ngọt khác nhau. Nhưng chắc chắn “cuộc cách mạng – một cọng rơm” không chỉ để đọc dăm ba lần, mà cần nghiền ngẫm lâu dài. Bởi dù là bản dịch từ tiếng anh, nhưng câu chữ vẫn rất ngắn gọn và cô đọng, và cần thời gian để hiểu sâu sắc tư tưởng của ông.

Cuốn sách vừa “nông” vừa “triết”, đọc sách thấy tâm thanh thản nhẹ nhàng như thiền. Vâỵ nên đây xứng đáng là cuốn được xếp vào sách gối đầu giường của riêng ta.

PS: link ảnh: "http://itsorganic.in/wp-content/uploads/2014/01/Masanobu-Fukuoka.jpg"
"http://xanhshop.com/wp-content/uploads/2015/01/Bia_CachMangRom_final_web1.jpg"
link tham khảo: http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1ch_m%E1%BA%A1ng_xanh

Friday, March 20, 2015

NHỊN ĂN - THỬ THÁCH 12 NGÀY

Phương pháp mình thực hiện là dựa theo bài viết sau đây. Cách pha chế của mình cũng gần giống như cách của họ, không khác bao nhiêu.

Trước khi nhịn ăn: cân nặng 56 kg, huyết áp ổn định 110/70 mmHg, gầy ốm, nhiều mụn, thích tìm hiểu cái mới, ... và vẫn đang học và thực tập tại trường.
Bắt đầu từ 19h ngày 29/06 và kết thúc lúc 19h 11/07

Ngày 1: Buổi sáng đầu tiên, mình cảm thấy hơi cồn cào trong bụng, có lúc chóng mặt thoáng qua rồi hết.  Đến trưa, dấu hiệu lạ đầu tiên là từ đường tiểu: tiểu hơi gắt buốt; kế đó là đi tiêu ra phân màu đen , đóng khuôn, dài. Cũng hơi bất ngờ vì không nghĩ cơ thể phản ứng lại nhanh như vậy. Ngoài ra thì chỉ thèm ăn chút xíu thôi, cũng không đến nỗi cồn cào, bủn rủn tay chân, hay mệt mỏi lả người gì cả.

Ngày 2: Tiêu phân đen một lần, hôi hơn hôm trước, đóng khuôn, từng đoạn ngắn. Không còn thấy tiểu gắt buốt nữa. Đến chiều cân lại thì còn 55kg.

Ngày 3: Ngủ quên nên sáng dậy trễ, 6h45’ mới lên trường. Vì không pha nước chanh kịp nên làm tạm 1 lít nước, 4 muỗng đường và một trái chanh vắt vội cho cói hương. Vậy mà cả buổi sáng vẫn không đói bụng, thấy vẫn thoải mái chứ không có cảm giác mệt mỏi và bủn rủn. Đến 13h30’ chiều thì bụng kêu rột rột rồi  tiêu chảy: phân lỏng xanh đen, khá hôi, lượng ít; chủ yếu là xác tép chanh nhỏ tí ti mà mình đã uống. Bắt đầu từ giờ, khi pha nước chanh sẽ gạn bỏ phần cái, chỉ lấy phần nước uống. Cân nặng bây giờ còn 53 kg.


Ngày 4: Sáng nay thi cuối đợt, kịp uống 2 cốc nước chanh chuẩn bị trước giờ G. Lần này tinh thần ổn định, không lo lắng nhiều như những lần thi nội y3, và skill nhi. Ơn trời tâm trạng thoải mái nên chọn trúng trại tiêu hoá. Vậy là yên tâm không lo rớt rồi. Tranh thủ cân tại ở phòng  cấp cứu thì còn 52 kg. Vậy là sau 4 ngày giảm 4 kg rồi. Không tệ. Đến chiều cùng ngày thì tiêu phân lỏng giống như ngày 3, có khác là lần này 0 có lẫn xác tép chanh nào nữa hết.

Ngày 5,6: 2 bữa này không đi tiêu thêm lần nào. Cơ thể thì nhẹ nhàng, tinh thần điềm đạm, mấy suy nghĩ “vớ vẩn” tự nó đã vút bay đâu mất tiêu. Nhưng mà thèm ăn quá. Ông anh trong phòng chế mì tôm, ăn bánh mì không chấm với tương ớt và mayoneise cũng đủ khiến xao xuyến trong  lòng. Lúc này chỉ có dặn lòng kiềm chế mà thôi. Cân nặng vào cuối ngày 6 vẫn là 52 kg. Đứng lại rồi.

Ngày 7, 8: Mỗi ngày đều tiêu phân lỏng, đen, hôi 1 lần. Ngày 9: Không thấy gì.

Ngày 10: Buổi sáng tiêu phân lỏng giống những lần trước. Lần này có lẫn 2 cục phân nhỏ, to bằng đầu ngón tay cái mà mới nhìn mình tưởng là cục sỏi gì gì đó. Sau kiểm tra lại mới xác nhận là phân. Hehe. Tiêu xong thấy dễ chịu. Cân nặng vẫn là 52 kg.

Ngày 11, 12: 2 ngày này là kì cục nhất. Mình mong đợi sẽ đi tiêu thêm lần nữa, rồi chuyển qua giai đoạn uống nước tới đâu, đi ngoài ra thế ấy, giống như mô tả của bác sĩ Ngọc. Thực tế có khác chút . Mình không đi cầu, nhưng còn đánh hơi thi thoảng trong ngày. Cổ họng thì khô, và khi uống nước chanh thì có hơi rát. Trước một lần uống được 1 ly gần đầy, nay uống 3/4 ly thì thấy đầy bụng, và có khi nấc nữa. Chắc là dạ dày đã co nhỏ lại nhiều. Đến 19h thì ngừng uống nước chanh nữa. Vậy là 12 ngày nhịn ăn đã kết thúc.

Tóm lại trong quá trình thử nghiệm lần này mình nhận thấy mấy điểm sau:

Thứ nhất: Nhịn ăn dài ngày là việc có thể làm được. Với sức khoẻ như thế nào thì được, khi nào thì không còn có nhiều bàn cãi. Nhưng mình nghĩ đa số là làm được, cẩn thân với người viêm loét dạ dày, huyết áp thấp, tiểu đường ....

Thứ hai: Mục đích là để thanh lọc cơ thể, không phải giảm cân( đối với phương pháp mình đã làm). Mong muốn của mình là thử xem cơ thể mình đã tích khoảng bao nhiêu độc chất, và khi thải ra được thì cảm giác về thân thể và tinh thần là như thế nào.

Thứ ba: Trong lúc thực hiện, có lẽ những ngày đầu sẽ mệt và đói. Cần phải vượt qua thì sau đó không còn cảm giác đó nữa. Mình thấy may mắn là cơ thể mình không phản ứng dữ dội như một số bạn khác đã gặp phải trước đó.
Cảm giác thèm ăn là chắc chắn có, và đôi khi rất mãnh liệt. Mình rảnh rỗi là google mấy thứ: bánh mì ngon nhất thành phố, cơm gà ngon nhất thành phố, lẩu ngon và rẻ, rồi bún riêu, phở, bánh xèo ... Vượt qua được nỗi thèm ăn, nhất là khi trước mắt là hình ảnh bạn bè ăn ốc, ăn bò lá lốt đầy khêu gợi, là cách để luyện tập tinh thần của chính mình.
Sau khi qua được giai đoạn đầu đói, mệt, bạn cảm thấy khoẻ ra, tinh thần ôn nhu, thâm trầm hơn, nhiều suy nghĩ lo lắng trước kia cũng nhẹ hẳn. Sinh hoạt và làm việc vẫn bình thường. Trong 12 ngày, mình trải qua 1 lần thi nhỏ, 1 lần thi lớn, tham gia hỗ trợ tổ chức hiến máu ở ktx, buổi chiều hít đất 30 cái... cũng không thấy quá căng thẳng hay quá sức. Một số bạn kể lại là khi nhịn ăn chỉ đi đứng nhẹ, tuyệt đối không làm gì. Mình nghĩ cẩn thận hơi quá.

Thứ 4: Nhịn ăn xong ăn lại như thế nào?
Mình ở KTX nên không nấu nướng được (nấu nước sôi chế mì thì ok). Cho nên không có dùng được nước gạo lứt rang mà mình đọc trên mạng. Buổi tối đầu tiên của mình là bột gạo lứt mè đen, bột đậu xanh hạt sen, và bột cacao, pha nước sôi thật loãng. Từ ngày mai sẽ ăn cháo rồi dần ăn cơm trở lại. Chắc là không vấn đề gì. :D

Thứ 5: Nhịn ăn để chữa bệnh đã được biết đến từ lâu, và thườnrg được truyền miệng trong dân gian. Mình chưa chứng kiến người nào bị ung thư, nhịn ăn, rồi khỏi bệnh. Nhưng mình có nick một bạn trên FB, có ba bị ung thư, và đã chữa khỏi nhờ nhịn ăn( một phương pháp nhịn ăn khác). Y học cổ truyền cũng ghi nhận cách này để chữa bệnh. Cụ thể là trong sách thực dưỡng của khoa YHCT trường mình có trình bày về phương pháp nhịn ăn. Trong đó có mô tả khi cơ thể ngưng tiếp nhận thực phẩm thì sẽ trải qua sự biến đổi gì, loại mô nào được tiêu hoá để tạo năng lượng trước, trạng thái cơ thể sẽ như thế nào, cách ăn lại ra sao... Tuy ngắn nhưng cũng giúp mình hiểu rõ hơn về phương pháp này. Và theo như lời anh trong phòng thì thầy của a thường xuyên thực hành nhịn ăn, và sức khoẻ của thầy rất tốt.

Để kết thúc, mình nhắn các bạn đang lăm le định thử, hay do dự vì chết não: nghĩ kĩ trước khi làm.
Để nắm bắt được thân thể mình thì nhịn ăn cũng thú vị và đáng thử lắm chứ

PS: Quá trình được thực hiện dưới sự giám sát của 2 bạn Quốc Cường và Ngọc Bảo. Cảm ơn 2 bạn đã dõi theo và sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Hehe
các ý kiến khác về việc thực hiện phương pháp này